Ngôn ngữ là phương tiện để diễn đạt ý nghĩ của mỗi người. Không người nào không dùng nó hàng ngày cả. Người câm không nói được thì dùng cử chỉ để thay cho lời nói. Nếu xét một cách thận trọng sẽ thấy ngôn ngữ là cái phát minh lớn nhất và sớm nhất của loài người. Về khoản này, ngôn ngữ được coi là thứ tài sản riêng của mỗi người. Người ta dùng nó trong việc giao tiếp cẩn thận không kém gì trong việc sử dụng tiền bạc (Lichtenberg). Có hiểu như vậy mới thấy, ai biết tiết kiệm tiền bạc là biết tiết kiệm lời nói.
Thế nhưng trên đời này vô số người vung vãi tiền bạc và lời nói một cách thả cửa! Dù sao đó cũng là cái quyền của họ.Thái độ của chúng ta sẽ như thế nào khi gặp những người ham nói đó?
Như những bài trước đã nói, đa ngôn ngữ cũng là một trong những bản tính tự nhiên của con người. Đó là bản tính thô sơ chưa rèn luyện kỹ, nên còn nhiều tính háo thắng. Đối diện với họ, chỉ cần bình tĩnh một chút ta sẽ thu nhiều kết quả. Có nghĩa là chúng ta quay lại vấn đề “Nghe” và “Nhìn” như đã trình bày ở đây.
Đặt trường hợp chúng ta là người đang nói chuyện, tức là giao thiệp một cách thông thường, chứ không phải nói trước công chúng (vì đó là thuật hùng biện khác nữa).
Sau đây là vài nguyên tắc cơ bản và rất đơn giản:
Không nên tỏ ra mình là kẻ hiểu biết nhiều hơn tất cả mọi người. Nếu bạn thích trình bày một vấn đề gì đó mà không có sự yêu cầu của kẻ khác, thì đối với người nghe sẽ không bổ ích gì cho họ, như vậy có phải nhàm chán cho đôi bên không? Giữa lúc đó mà bạn cứ thao thao bất tuyệt, thì còn tệ hơn người hùng biện trước một bụi cây. Bởi vì trong số người nghe sẽ có người ghét bạn. Bạn tuy biết vậy nhưng cứ nghĩ rằng: “Ta giúp cho họ ý này biết đâu sau này họ sẽ có lợi”. Không được! Sẽ không ai tin điều đó, vì bạn không phải là nhà tiên tri. Không chừng đó là cái vạ nữa là khác.
Chắc bạn không quên một chuyện khá đau lòng đã xảy ra.
Cách đây hơn trăm năm, ông Bùi Hữu Nghĩa đang làm Tri huyện ở Trà Vinh, dưới quyền Bố chánh Truyện. Bố chánh ăn của đút lót của bọn Hoa kiều, để cho bọn đó chiếm Láng Thế. Láng Thế là vùng đất đặc ân của triều đình miễn thuế cho dân ở đây. Nguyên trước đây Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn vương đã chạy qua vùng này được dân địa phương giúp đỡ, nên sau mới được ân huệ đó.
Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa nổi tiếng là thanh liêm, liền tập hợp dân vùng Láng Thế lại nói: “Nếu ai lớn hơn vua phê giấy tờ bán rạch Láng Thé cho người Hoa kiều thì các ngươi đành xuôi tay. Còn nếu ai nhỏ hơn vua mà ra lệnh ấy, các ngươi chặt đầu nó cũng không sao!”
Bọn Hoa kiều vẫn cậy thế làm ngang, bị dân Láng Thế giết đi mấy mạng.
Thế là Tổng đốc và Bố chánh làm lệnh gởi ra triều đình Huế và Bùi Hữu Nghĩa bị kết tội tử hình.
Một vị quan thanh liêm toàn quốc ai cũng biết tiếng, vì tấm lòng tốt mà phẩn uất nên có những lời tâm huyết và thiết thực như thế, kết qua bị kết tội tử hình. Cũng may cho ông Nghĩa, án ấy đã bất thành.
Tóm lại, khi cần phải nói (mặc dù không có ai đề nghị) bạn nên nói vài câu tóm gọn là đủ, bởi vì không nói cũng không thiệt hại gì cho ai kia mà.
Lời nói phải dịu dàng, cử chỉ khiêm tốn. Giọng nói của mỗi người biểu lộ ý nghĩ thầm kín bên trong. Thông thường lúc giận thì giọng nói có vẻ hằn học, gắt gỏng. Vì một nguyên cớ gì đó mà chúng ta cần nói chuyện trước tiên là giữ thái độ ôn hòa, dù lúc ấy có sự trái lòng ghê gớm, nhưng hãy cố nhẫn.
Cổ nhân nói: “Nhẫn là đại dũng”. Chiết tự chữ nhẫn, kẻ cầm đao muốn chém người khác mà dằn lại được, đó là nhẫn. Huống chi lời nói dịu dàng bao giờ cũng làm mềm lòng người khác hơn là sự phẫn nộ. Một bằng chứng hùng hồn của loài người bao giờ con cũng thương mẹ hơn cha, vì mẹ bao giờ cũng có nét êm ái dịu dàng.
Một thế kỷ trước đây một nhà thơ tài hoa là ông Cao Bá Quát, tánh tình bất khuất, thường có ý khinh thị những người quyền chức mà bất tài, dẫu vua chúa, ông cũng khinh ra mặt. Ông Cao Bá Quát chứng kiến hai vị quan triều ấu đả với nhau, vua Tự Đức đòi ông vào khai rõ sự việc. Ông Cao Bá Quát miệng thuật, tay chỉ chỏ:
– Bên này nói chó (tay chỉ về mình).
Bên kia nói chó (tay chỉ vào nhà vua).
Hai bên đều chó (tay chỉ cả mình lẫn vua).
Họ túm lấy họ (ra bộ).
Thần thấy thế nguy, thần chạy!…
Vua Tự Đức biết Cao Bá Quát chơi xỏ mình nhưng không thể bắt bẻ gì được. Những chi tiết nhỏ nhặt tuy không thấy đâu, nhưng tích tụ lâu ngày cũng đủ thành một án tử hình!
Cho nên khiêm tốn nhã nhặn không phải là sự hèn hạ mà ngược lại.
Nhà thơ Nga, Maiakovski cũng vì sự không tế nhị, ưa khích bác thiên hạ, cuối cùng tự mình bỏ rơi mình. Những năm tiền cách mạng 17, nếu ai công kích chủ nghĩa xã hội thì ông vu cho người đó là ăn cắp, dù đối tượng là một phụ nữ, là một nông dân. Lúc nào ông cũng cho ông là hơn người. Một hôm có một người phê bình thơ ông, nói: “Thơ ngài mang nhiều chất thời sự quá nên khó để đời”.
Maiakovski đốp liền: “Anh hãy cố sống đến ngàn năm, chúng ta lúc đó sẽ thảo luận”.
Một lần khác, có người chất vấn: “Maiakovski! Ông cho chúng tôi là một lũ ngu sao?”
Maiakovski nói: “Tại sao lại lũ? Trước mặt tôi chỉ có một đứa thôi”.
Có một người bất bình về thái độ của Maiakovski nên kêu ông ta nói: “Anh Maiakovski! Napoléon nói rằng từ cái vĩ đại đến cái lố bịch cách nhau chỉ một bước!”
Maiakovski ướm đo giữa khoảng cách từ người ấy đến mình rồi nói: “Đúng! Từ cái vĩ đại (lấy tay chỉ về mình) đến cái lố bịch (chỉ về người kia) chỉ một bước thôi!”.
Trong y học người ta chứng minh, người có tánh khí hòa nhã bao giờ cũng thọ hơn người nóng nảy. Đức tánh nhã nhặn khiêm tốn có lợi đủ mọi điều.
Tránh sự cãi vã. Cãi vã khác với tranh luận. Cãi vã mang tính chất cục bộ, lố bịch, mạnh ai nấy nói không có kẻ nghe, luôn dành phần phải cho mình nhiều khi bất công trong ngôn ngữ. Có lẽ ai cũng chứng kiến một lần cãi vã vô ích.
Cứ nhường cho họ thắng, ta không thiệt thòi gì cả.
Nếu lý của bạn càng đúng, bạn càng nên nhịn. Sau này người kia nhận ra cái sai của họ, thì lúc đó bạn càng thấy mình có giá trị hơn.
Tranh luận là một sự “cãi vã” có “trí thức”.
Cả hai đối thoại trong một tinh thần hiểu biết
.
Tuy vậy, nhiều nhà tâm lý học phương Tây cho rằng không nên tranh luận.
Dale Carnegie trong quyển “How to win friends influence people” có nói một câu đại khái, câu “Mỗi chúng ta đều có một vị thần nắm vận mệnh” là câu của Shakespeare (trong Hamlet), thế mà một người nào đó nói câu đó trong Thánh kinh. Thế là hai bên cãi nhau. Sau này Dale Carnegie lấy làm ân hận, tại sao lại phải tranh luận? Theo ông, họ nói sao mặc họ, không nên đính chánh!
Xuyên qua câu chuyện đó, chúng ta có ý kiến thế nào?
Dale Carnegie là nhà tâm lý lỗi lạc của thế kỷ này, nhận xét sau cùng của ông có tánh cách thực dụng hơn, vì có chút máu Ăng lê.
Đối với người Đông phương thì khác.
Cách đây mấy năm, trong buổi tiệc họp mặt bạn bè, một nhà thơ cao hứng đọc:
Cuộc phù sinh có bao lăm,
Nỡ đem ngày bạc mà lầm tuổi xanh.
Và ông ta tuyên bố đó là hai câu trong Kiều. Nhưng ông thi sĩ ấy lầm! Một anh bạn ngồi bên cạnh khều ông, nói nhỏ: “Anh dường như nhầm ấy. Hai câu đó trong Nhị Độ Mai”. Nhà thơ nhún vai nói lại: “Vậy là anh nhầm đến bình phương”. Anh bạn lặng thinh không nói nữa.
Cuối bữa tiệc anh gặp riêng nhà thơ, nhỏ nhẹ nói: “Thưa anh, không phải tôi vô lễ dám sửa sai anh. Tôi biết anh là nhà thơ nổi tiếng lại có tánh lãng đãng.
Trong đám anh em có mặt ở đây, ít ra cũng có vài người biết anh nhầm, nhưng họ ngại mếch lòng nêu không chịu góp ý”.
Qua mấy ngày sau hai người đó lại gặp nhau, nhà thơ xuýt xoa cám ơn ông bạn rối rít. Ông nói: “Quả hai câu đó trong Nhị Độ Mai, nếu anh không chỉ giáo, tôi lại tiếp tục làm trò cười cho thiên hạ”.
Ta biết đó! Nếu Dale Carnegie thì ông không điên gì nhúng môi để đính chánh việc này, cứ sẵn sàng cho là đúng, trước để lấy lòng, sau dễ kiếm việc làm. Nhưng với chúng ta, tất nhiên theo tinh thần Á Đông, với lòng vô vụ lợi, ta góp ý một cách tế nhị kín đáo, tránh giọng lên lớp hay giọng kẻ cả, và đó là lòng thành thật đối đãi nhau. Nếu đối tượng thẳng thừng khước từ, thì ta đành nhận lỗi và làm thinh vậy. Chưa có gì thật hơn bằng “quả đất tròn”, thế mà Galilée đành “rằng vuông thì cũng vâng lời rằng vuông”.
Trong khi nói phải biết mình nói gì. Vấn đề này mới nghe tưởng như nghịch lý. Thật ra việc đó rất thường xảy đến cho những người nói nhiều. Họ nói một hồi đi xa trọng tâm vấn đề, cũng bởi họ tìm nhiều câu chuyện để minh họa, và khi giật mình lại thì quên mất “thuở ban đầu”.
Cổ nhân thường nhắc chừng “Hãy tự nghe mình trong khi nói”, có ý khuyên ta nên kiểm soát trong lúc mình đang nói. Muốn làm được điều đó, ta phải nói chậm và nói ít.
“Nên đề phòng lúc sướng miệng” (Uông Thụ Chi), câu nói đơn giản đó không phải chỉ cho việc nói mà thôi, mà còn chỉ cho việc ăn uống nữa (Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng ngôn xuất). Ai biết nghe được những lời mình đang nói, mới đáng là người biết nói. Hiểu được lời người khác nói mới gọi là người biết nghe.
Thậm chí người ta còn nghe được lời của người câm nói.
Có lần nhà bác học lỗi lạc A. Einstein nói với nhà kịch câm Chaplin Charlot: “Ngài! Tôi nói rất nhiều mà thiên hạ không nghe được, ngài không nói lời nào mà thiên hạ nghe đến khóc được”. Cho nên không phải nói nhiều người ta mới hiểu đâu.
Câu nói không rắc rối, trong sáng và chân thành, nên tranh thái độ châm biếm, cợt nhã, được như vậy bạn đã thành công hơn một nửa trong việc thuyết phục.
Chúng ta để ý những câu tục ngữ mà ta thường gặp “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Không ai sợ bạn hay trọng bạn về những lời đao to búa lớn cả. Thậm chí trong việc dùng mưu trí, lời nói đơn giản người ta càng dễ tin. Một chuyện trong sách xưa kể:
Tôn Tẫn và Bàng Quyên cùng học thầy Quỉ Cốc. Tiên sinh muốn biết đức hạnh và mưu trí của học trò mình, liền bắc ghế ngồi trước cửa rồi nói:
– Trò nào mời ta ra được ngoài cửa, trò ấy sau này có khả năng làm đến Tướng quốc.
Bàng Quyên xin mời trước, Quyên nói:
– Bạch Tổ sư! Bên ngoài kia có rồng chầu phượng múa đẹp lắm!
Tiên sinh mỉm cười:
– Hôm nay là hung nhật (ngày xấu), không có việc đó!
Quyên nói:
– Có Bạch Hạc đồng tử đến mời thầy đi đánh cờ.
Tiên sinh nói:
– Bạch Hạc đồng tử đã mời ta hôm qua rồi.
Quyên lại nói:
– Mời hoài thầy không ra, tôi phải nổi lửa đốt động, xem thầy có chịu ra không.
Mấy câu đó chứng tỏ rằng Bàng Quyên có tâm địa bất nhân lại còn ngoa ngôn và khinh người.
Đến lượt Tôn Tẫn mời tiên sinh. Tôn Tẫn quỳ xuống nói:
– Bạch Tổ sư! Đệ tử không có tài mời Tổ sư từ trong ra ngoài được. Nhưng nếu Tổ sư ở ngoài động, đệ tử sẽ mời được Tổ sư vào trong.
Tiên sinh nghe nói lấy làm lạ, liền sai đem ghế ra ngoài để Tôn Tẫn mời vào. Khi tiên sinh an vị, Tôn Tẫn vỗ tay reo:
– Đệ tử mời được thầy ra ngoài động rồi.
Tiên sinh phục Tôn Tẫn là cao kiến.
Về sau Tôn Tẫn cầm quân nước Tề, bách chiến bách thắng.
Lời nói đánh giá được con người. Nói càng khiêm tốn càng được việc. Có hai người xin việc làm vào buổi tối để kiếm tiền thêm. Một người là sinh viên trường Luật, còn một người nữa thường nhật không có việc làm.
Ông chủ nhà hàng gọi một trong hai người đến hỏi:
– Lâu nay cháu làm nghề gì?
– Cháu là sinh viên trường Luật.
– Cháu học năm thứ mấy?
– Năm cuối của bậc đại học.
Ông chủ tán thưởng:
– Vậy là cháu có tương lai lắm. Làm nghề chạy bàn đêm đâu kiếm được bao nhiêu tiền? Sao cháu không viết báo?
Cậu sinh viên trả lời:
– Cháu có viết nhưng người ta không đăng. Đời bây giờ không quen khó mà đăng cho lọt.
Ông chủ cười nhẹ nói:
– Không phải vậy đâu cháu ạ. Điều cháu nói đó có thể có nhưng hiếm lắm. Ai cũng muốn báo mình bán chạy tất nhiên báo phải chọn đăng những bài hay. Ví dụ ở đây, đâu cần phải quen lớn, chỉ cần người thành thật, lễ phép, nhanh nhẹn.
Vừa lúc ấy ở trong phòng có một cô gái chạy ra, hơi ngạc nhiên chào anh sinh viên:
– Ủa, chào anh Dũng! Sao anh lại đến đây? Bộ uống la de hả?
Cô quay sang giới thiệu với ông chủ:
– Ba! Anh Dũng là bạn cùng một lớp với con…!
Lúc ấy Dũng ngượng nghịu, nói xã giao vài câu rồi ra về.
Bạn có biết sao không? Là vì con gái của ông chủ đang học năm thứ hai trường Luật.
Không nói các bạn cũng biết, người thứ hai kia xin được việc làm.
Qua việc này, nói năng càng khiêm tốn thì phẩm hạnh càng cao.
Người xưa nói: “Năng lực của mình được mười, thì nên bớt lại vài phần”. Trong việc chạy bàn cần gì phải khoe trí thức?
Ở những nơi cần chữ nghĩa, bằng cấp to cũng nên nói thực trình độ của mình, còn những nơi không cần, tốt hơn hết không nên khoe chữ, có khi bị hố!
Thuật Ứng Xử Thu Phục Lòng Người, tác giả Chiêm Trúc