Thời gian là một trong những thứ quý giá nhất hiện nay. Bất kể chúng ta mua bao nhiêu đồ dùng, đọc bao nhiêu sách hay tham gia bao nhiêu lớp học, thì cũng chẳng đủ để gọi là bận rộn.
Ưu tiên hàng đầu của mẹ
Là một người mẹ như bao người mẹ, tôi phải làm việc, thường xuyên tất bật với nào là yêu cầu của công việc, các sở thích bản thân, những công việc lặt vặt trong nhà, và với các hoạt động trong trường của các con như: thi đấu, luyện tập, những bài học nhạc, các buổi diễn tập và công diễn. Các hoạt động này đều nhằm mục đích làm phong phú thêm cuộc sống của bọn trẻ cũng như phát triển các kỹ năng, tài năng và giá trị của chúng.
Tuy nhiên, những bà mẹ quá bận rộn với đủ thứ công việc chẳng còn quan tâm mấy đến mục đích thực sự của những hoạt động này. Từ thuở ấu thơ, trẻ con luôn cần sự quan tâm và khích lệ của cha mẹ. Những lời khen và động viên khi đứa bé biết bò, biết đứng dậy, biết đi, biết nói, biết đá banh, vân vân và vân vân cứ chất thành đống theo thời gian. Rồi khi trẻ lớn lên, những bài học đơn giản được thay thế bằng những hoạt động khác như thể thao, múa hát hay âm nhạc. Còn cha mẹ thì ngồi ở trên khán đài làm khán giả để cổ vũ, tán dương, vỗ tay động viên con mình.
Song, sớm hay muộn thì một bà mẹ đang làm việc cũng phải đối mặt với sự đan xen giữa công việc và những cuộc thi đấu, các buổi hoà nhạc hay các hoạt động khác của con mình. Người mẹ không thể ở hai nơi cùng một lúc. Và thật khó lòng quyết định xem phải làm như thế nào; điều gì là tốt nhất cho con; điều gì mà một người mẹ đảm đang nên làm; làm thế nào xoay chuyển tình thế bất lợi thành có lợi cho cả đôi bên.
Tôi đã trải qua một tình huống quyết định như thế khi trường học của con gái tôi đăng cai tổ chức liên hoan âm nhạc hằng năm mang tên “String Fest“. Có các ban nhạc của 5 trường biểu diễn trong nhà thi đấu cùng với cả một biển người các khán giả phụ huynh và bạn bè. Các ban nhạc sẽ phải đến trước 45 phút để có thời gian chuẩn bị. Và như thường lệ, liên hoan này luôn diễn ra vào lúc cả hai vợ chồng tôi đều bận túi bụi. Nên chúng tôi thu xếp để cho cậu con trai lớn đến chỗ cô em gái của nó vào đúng giờ biểu diễn.
Con gái tôi cũng biết rất rõ thời gian biểu của mẹ nó, nên cũng cố làm an lòng tôi, nó nói: “Tối nay mẹ không cần đến xem cũng được. Chỉ cần đến đúng giờ để đón con về thôi.” Còn có cách nào khác tốt hơn nữa chăng? Tôi sẽ chẳng cần phải vật lộn với đoạn đường dài hơn 50 km trong giờ cao điểm để về cho kịp. Tôi có thể làm thêm hai tiếng nữa, lúc đó xe cộ sẽ bớt đông đúc và tôi có thể sắp xếp để đến nhà thi đấu đúng giờ về. Ngoài ra, tôi đã từng xem biết bao nhiêu buổi hoà nhạc rồi, bỏ qua một buổi cũng đâu có sao!
Sau khi suy nghĩ cân nhắc các lựa chọn, tôi quyết định mình không thể vắng mặt. Mặc dù con gái đã cho phép tôi bỏ qua buổi biểu diễn nhưng điều đó không thể biện minh cho sự vắng mặt của tôi. Tôi thấy mình thật đáng trách khi không đến dự buổi hoà nhạc này. Thế là tôi quyết định rời sở làm và đến nơi ngay trước khi buổi diễn bắt đầu. Tôi tìm thấy một chỗ ngồi đối diện ngay ban nhạc của con gái, chỉ cách có vài hàng ghế. Con bé ở ngay trước mắt tôi, nhưng giữa một biển người như thế này, có lẽ nó sẽ chẳng nhìn thấy tôi đâu.
Khi thời gian dành cho việc chuẩn bị kết thúc, con bé đặt cây vĩ cầm của nó sang một bên. Tôi để ý thấy con bé bắt đầu lướt nhìn qua những hàng ghế khán giả để tìm kiếm người quen. Rồi khi nhìn thấy tôi đang vẫy vẫy tay như các bà mẹ vẫn thường hay làm, con bé mỉm cười. Chỉ cần một cử chỉ của con bé cũng nói lên tất cả: tôi đã làm nên một đêm diễn đáng nhớ cho con bé. Không có bất kỳ sự khuyến khích, lời khen ngợi hay phần thưởng nào xứng đáng với giây phút ấy. Hình ảnh đó mãi mãi được khắc ghi trong tâm trí của hai mẹ con mà không có một máy ảnh hay máy quay nào có thể ghi lại được. Đó là tình cảm yêu thương của hai con người dành cho nhau trong khán phòng của nhà thi đấu.