Giúp bạn trả lời những câu hỏi băn khoăn về bộ não của mình. Bộ não là rất quan trọng đối với mỗi chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé
Việc dùng đầu đánh bóng có làm não có bị chấn động không?
Trong bóng đá, ta thường thấy những pha cầu thủ đánh bóng hoặc ghi bàn bằng đầu rất đẹp. Có người hỏi: với quả bóng tốc độ nhanh, lực va chạm rất mạnh, việc cầu thủ đánh đầu liệu có làm cho đại não bị chấn động mạnh không? Có thể khẳng định hậu quả đáng sợ đó hầu như không xảy ra.
Đó là vì bên ngoài đại não có một vỏ xương sọ rất cứng, gồm xương đỉnh đầu, xương trán, xương thái dương, xương chẩm và xương gáy cấu tạo nên. Nói chung cầu thủ thường dùng xương trán để đánh đầu. Xương trán là bộ phận dày nhất, cứng nhất trong hộp xương sọ. Nó có thể chịu đựng được lực va chạm rất mạnh.
Hơn nữa, quả bóng đá được làm bằng các mảnh da mềm, trong đó còn có hơi, nên nó có độ đàn hồi nhất định. Ngoài ra, khi cầu thủ đánh đầu một cách chủ động thì toàn bộ khung xương và các cơ bắp đều ở trạng thái căng lên cao độ, đặc biệt là xương và cơ bắp ở vùng trán, giữ được một độ căng cứng hài hòa, có tác dụng đàn hồi nhất định.
Do đó, có thể thấy, từ cấu tạo của hộp xương sọ cho đến sinh lý vận động mà nói, khi quả bóng từ xa bay đến với tốc độ nhanh, lực lớn, cầu thủ nhảy cao dùng đầu đánh bóng sẽ không gây ra nguy hại gì cho não.
Nhưng cũng cần phải nói thêm, với một người ở trạng thái hoàn toàn không chuẩn bị, nếu có một quả bóng từ xa bay đến với tốc độ nhanh đập trực tiếp vào đầu, vì cơ bắp không kịp đàn hồi nên có khả năng sẽ gây ra sự chấn động mạnh mẽ đối với não; nghiêm trọng hơn, có thể khiến cho tổ chức của não bị tổn thương, dẫn đến những hậu quả không tốt.
Vì sao chết não là tiêu chí để khẳng định sự sống của con người kết thúc?
Chết là sự sống kết thúc. Quá trình tiếp thu, đào thải của cơ thể kết thúc thì cơ thể cũng chết theo. Quan niệm truyền thống cho rằng, khi tim ngừng đập, mũi ngừng thở thì sự sống không phục hồi lại nữa; lúc đó có thể khẳng định cơ thể đã chết.
Nhưng trên thực tế, có khi tim đã ngừng đập, mũi đã ngừng thở mà vẫn chưa chết thật. Ví dụ ở người bị bệnh tim, nhiều khi tim đã hoàn toàn ngừng đập nhưng vẫn có thể nhờ máy hô hấp và máy kích nhịp tim mà cứu sống lại.
Mấy năm gần đây, nhờ sự phát triển của y học, ở một số người, tuy công năng của đại não và đuôi não đã mất nhưng công năng tim, phổi vẫn có thể được duy trì bằng máy hô hấp và máy kích nhịp tim. Nhưng chắc chắn họ không thể tỉnh lại như cũ được. Chính vì thế mà quan niệm truyền thống lấy tiêu chí tim và hô hấp ngừng làm việc là chết đã hoàn toàn thay đổi. Hiện nay, y học hiện đại đang dần dần xây dựng một quan niệm mới: não chết mới thực sự là người chết.
Não chết là khi công năng của đại não, tiểu não và đuôi não hoàn toàn mất đi và không thể phục hồi, tức là toàn não đã chết. Não ví như bộ tư lệnh của cơ thể. Bộ tư lệnh bại liệt, thậm chí bị hủy diệt thì cơ thể sẽ đứng trước cái chết.
Nói chung, ở con người, sau khi tim và phổi ngừng làm việc, vỏ đại não còn có thể chịu đựng tình trạng thiếu ôxy trong 5-6 phút; qua thời gian này, công năng đại não sẽ vĩnh viễn mất đi. Sau khi tim và phổi ngừng làm việc, nếu lập tức cấp cứu, cơ thể còn có khả năng phục hồi. Vì vậy, việc dùng tiêu chí tim ngừng đập và ngừng hô hấp để phán đoán tử vong là không đủ cơ sở khoa học. Chỉ sau khi công năng toàn bộ não mất đi mới đủ tiêu chí để kết luận cuộc sống đã kết thúc.
Nếu ngồi xổm lâu thì khi đứng dậy sẽ cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, tại sao?
Thường ngày, ta vẫn có lúc ngồi xổm. Ngồi xổm lâu, sau đó đứng dậy, bạn dễ cảm thấy chóng mặt, hoa mắt. Trên thực tế, đó là một loại phản xạ của thần kinh. Khi tư thế đột nhiên thay đổi thì ở người khỏe cũng thường xuất hiện phản ứng này.
Chóng mặt là vì não thiếu máu, hoạt động của tế bào thần kinh bị ảnh hưởng. Hoa mắt là vì máu ở võng mạc không được cung cấp đầy đủ, khiến cho tế bào thị giác bị kích thích.
Vì sao hiện tượng này lại phát sinh sau khi ngồi lâu, đứng dậy đột ngột? Nguyên nhân là khi ta ngồi, các mạch máu của phần bụng bị ép, máu ở phần bụng và tứ chi giảm thấp rất nhiều, còn đầu hơi cúi về phía trước thì máu ứ lại. Khi ta đứng dậy đột ngột, máu ở trên đầu nhiều sẽ chảy xuống phần bụng và tứ chi, gây thiếu máu. Tuy nhiên, nhờ tác dụng điều tiết của hệ thống thần kinh, mạch máu ở phần bụng sẽ co lại, khiến máu lại được dồn lên não, hiện tượng não thiếu máu được xóa bỏ nhanh chóng; chứng chóng mặt, hoa mắt cũng mất đi.
Vì sao khi tức giận, ta lại không muốn ăn cơm?
Khi bụng trống rỗng, ta có cảm giác đói, trong bụng còn có tiếng kêu; đó là tín hiệu chúng ta nên được ăn cơm.
Nhưng cũng có lúc ta đang đói, muốn ăn, nhưng bỗng nhiên một sự việc làm ta không thoải mái xảy ra, khiến cảm giác đói tạm thời mất đi. Cũng có lúc ta đang ăn rất ngon miệng, bỗng nhiên một việc nào đó làm ta tức giận, khiến ta nuốt không trôi, giống như bụng đã no rồi.
Vì sao như thế? Nguyên nhân là nhất cử, nhất động của chúng ta đều được vỏ đại não chỉ huy. Nó vừa quản những hành động cụ thể, vừa quản tư duy của chúng ta. Từ lúc tỉnh dậy đến lúc đi ngủ, bộ não rất bận rộn. Nếu ngủ không tốt, nó vẫn không được nghỉ ngơi.
Mặc dù có nhiều việc như thế, vỏ đại não vẫn hoạt động rất có trình tự. Trong một thời điểm nhất định, nó chỉ xử lý một sự việc. Cả khi có nhiều việc lớn nhỏ đến cùng một lúc, nó vẫn không vội vàng; giống như bên cạnh bạn tuy có rất nhiều máy điện thoại cùng đổ chuông nhưng bạn chỉ có thể lần lượt nói chuyện với từng máy một.
Khi vỏ đại não xử lý công việc, chỉ vị trí liên quan đến công việc đó là phát sinh hưng phấn, còn tất cả các vị trí khác đều bị khống chế. Ví dụ, khi bạn đang tập trung tư tưởng làm một việc gì đó, hoặc khi bạn đang đọc sách rất say mê thì bạn sẽ không biết đến những sự vật xuất hiện chung quanh, cũng không nghe thấyđiều gì đang xảy ra. Đó là vì vỏ đại não của bạn có một vị trí nào đó đang ở trạng thái hưng phấn, còn các vị trí khác đều bị khống chế.
Lúc ta cảm thấy đói, vị trí vỏ não quản lý sự thèm ăn đượchưng phấn, khiến ta có cảm giác muốn ăn. Ăn là nhiệm vụ duy nhất lúc đó, còn những việc khác đều tạm thời bị gác lại, tức là các vị trí khác của vỏ đại não đang trong trạng thái bị khống chế. Nhưng nếu bỗng nhiên phát sinh một việc mới khiến ta không thoải mái, hoặc tức giận thì vị trí khác của vỏ đại não sẽ hưng phấn mạnh mẽ, còn vị trí quản việc ăn lại bị khống chế; do đó cảm giác thèm ăn tạm thời mất đi.
Thực ra không chỉ sự tức giận mới khiến ta không muốn ăn. Bất kỳ sự việc phát sinh nào khiến ta hưng phấn mãnh liệt cũng đủ khiến vị trí vỏ đại não quản về việc ăn bị khống chế, và ta sẽ nuốt không trôi cơm.