Mỗi đứa trẻ là một cá tính rất riêng.Một em nhỏ có tư cách cũng làm cho người lớn kiêng nể.Truyện về những em nhỏ thông minh cho chúng ta những bài học giá trị.
Bài học từ em nhỏ đi bán hộp quẹt ở Edimbourg
Một em nhỏ, đói rét, rách rưới, run lập cập, da thịt tái ngắt, đi bán hộp quẹt ở Edimbourg. Em năn nỉ mãi, một ông quý phái nọ mới mua giúp em một ống, đưa cho em một đồng bạc. Em không có tiền thối, lại năn nỉ ông cho em đem đi đổi, vì em đói quá, cố bán cho được để có tiền ăn lót lòng. Ông quý phái đợi một hồi lâu, không thấy em trở lại, nghi em đã giựt tiền của mình rồi.
Nhưng tối hôm đó, một em gõ cửa xin vào thăm ông; em này nhỏ hơn em bán quẹt hồi sáng, cũng ốm yếu, lam lũ như vậy, móc túi lấy tiền đưa cho ông và thưa: “Anh tôi sáng ngày đổi tiền xong, trở lại trả ông thì bị xe cán, gẫy hai chân, bảo tôi mang tiền lại hoàn ông. Thầy thuốc bảo anh tôi khó qua được”. Nói xong, em oà lên khóc.
Ông quý phái cảm động, cho em ấy ăn rồi đi theo tới nhà em ở, thấy một tình cảnh rất thương tâm. Hai em mồ côi cha mẹ, sống với một dì ghẻ suốt ngày say sưa trong một cái hầm hôi hám tối tăm. Đứa lớn nằm trên đống rơm, mở mắt ngó ông, than thở:
– Thưa ông, cháu chết mất. Ai săn sóc cho em cháu bây giờ? Tội nghiệp nó.
Ông ta rơm rớm nước mắt, vuốt ve nó, bảo:
– Con cứ yên tâm, để ta săn sóc cho.
Nó nhìn ông, như muốn cảm ơn, rồi tắt thở.
Bài học từ đứa con gái của nhà vua
Dã sử Hi Lạp ghi truyện Aristagoras đem vàng bạc lại dâng vua xứ Sparte là Cléomène để xin giúp y quân đội chiếm một xứ láng giềng. Lúc đó, một đứa con gái của nhà vua, mới sáu tuổi, ngồi chơi trong phòng, Aristagoras muốn đuổi em đó ra sân chơi để dễ nói chuyện. Nhà vua không ưng.
Em bé nghe được hết, không hiểu gì cả, nhưng thấy cha có vẻ bối rối, bèn nắm tay cha kéo ra ngoài, bảo: “Thôi, đi ra, ba; người này muốn ép cha làm một việc xấu đấy”. Nhà vua nghe lời con mà tránh được một hành vi làm tổn thương danh dự của quốc gia và của mình. Em nhỏ đó đã thắng được một người lớn là Aristagoras và làm cho cả xứ Sparte kính phục.