Bỉ Ngạn hoa, một nghìn năm nở, một nghìn năm tàn, khi hoa nở thì lá đã tan, hoa và lá vĩnh viễn không thể gặp nhau. Cũng giống như ái tình nơi trần thế, nhung nhớ cả một đời, lưu luyến cả một đời, cuối cùng cũng chẳng thể ở bên nhau…
Những ngày tháng 10, mọi ngóc nghách, ngỏ hẻm đều ngập sắc đỏ của loài hoa bỉ ngạn.
Cây hoa bỉ ngạn thuộc loại cây thân thảo, chiều cao khoảng 40-100 cm, dạng chùm. Hoa bỉ ngạn có ba màu chính: đỏ, trắng và vàng, phổ biến nhất là màu đỏ. Hoa màu đỏ rực rỡ như máu, cành hoa dài vươn lên từ mặt đất, trên đài gồm một cụm hoa khoảng 5 đến 7 nụ, khi nở xòe tròn ra mọi hướng, trông như chim công đang múa, khi có hoa thì không có lá. Hoa bỉ ngạn nở vào mùa xuân và mùa thu.
Những ngày tháng 10 này, du khách tìm đến với vườn hoa bỉ ngạn đỏ rực ở Lễ hội: 꽃무릇 (Hoa Bỉ Ngạn) công viên Sanho, thành phố Changwon rất đông.
Giữa núi rừng xanh ngắt là một biển hoa bỉ ngạn giống như một tấm thảm khổng lồ.
Hoa nở vào tiết thu phân, cũng là lúc mà người dân Hàn Quốc đi tảo mộ, bởi họ quan niệm đây là khoảng thời gian giao thoa với người thân đã mất hoàn hảo nhất. Hoa bỉ ngạn cũng vì thế mà mang trên mình ý nghĩa linh thiêng, như một sợi dây kết nối giữa hai thế giới.
Đặc biệt, không bao giờ nhìn thấy hoa và lá bỉ ngạn xuất hiện cùng một lúc với nhau. Khi có lá thì không có hoa, khi hoa nở thì không thấy lá. Nó được ví như một đôi tình nhân nhớ thương nhau nhưng âm dương cách biệt, muôn kiếp luân hồi cũng không bao giờ nhìn thấy nhau.
Trong Phật giáo, từ “bỉ ngạn” được dùng để chỉ miền Tịnh độ ở Tây phương Cực lạc, vì vậy mà hoa bỉ ngạn được coi là loài hoa của Thiên giới. Người ta tin rằng ai nhìn thấy được hoa có thể tránh được ác nghiệp.
Trước đây, dọc theo các cánh đồng lúa ở Hàn Quốc người ta thường trồng hoa bỉ ngạn để tránh cho chuột và những động vật gặm nhấm khác đến phá hủy mùa màng bởi vì loài hoa này khá độc hại đối với loài động vật gặm nhấm.