Home / Blog / Cuộc Sống / Niềm vui và nỗi đau

Niềm vui và nỗi đau

Ngày hôm đó, tôi đã trải qua hai tâm trạng đối nghịch của tình cảm con người – niềm hạnh phúc và nỗi thất vọng, cuộc sống và cái chết, niềm vui và nỗi đau, cảnh đẹp kỳ vĩ và cảnh tượng đau lòng.

Người ta không thể lấy nước từ một cái giếng cạn – chúng ta phải làm đầy lại cái giếng trước khi đem nguồn nước đến cho mọi người.

Trên đỉnh núi phía bắc Carolina có một điểm dừng chân tuyệt đẹp. Từ con đường chính rẽ vào một con đường khác bạn sẽ gặp một nhà thờ lộ thiên ngay bên sườn núi. Những hàng ghế dài bằng bê tông được sắp xếp bao quanh bục giảng kinh bằng đá. Ngồi tại đây, bạn có thể ngắm nhìn phong cảnh ngoạn mục của nơi này từ mọi phía.

Vào tuần lễ Phục sinh hai mươi năm trước, tôi cùng một nhóm bạn quyết định đến tham gia buổi lễ đón bình minh tại nơi này. Đã từ lâu, tôi đã ao ước được đến đây một lần nhưng chưa bao giờ thực hiện được vì đủ mọi lý do trên đời. Tôi là y tá phòng cấp cứu, và trong ngày Chủ nhật của ngày lễ Phục sinh này tôi vẫn phải làm việc. Nhưng lần này tôi quyết tâm bằng mọi giá phải đến tham dự buổi lễ và sẽ trở về đúng giờ vào ca trực của mình. Đúng hai giờ sáng, chúng tôi khởi hành. Khi đến nơi thì trời vẫn còn tối, chúng tôi tìm chỗ đậu xe, rồi cuốc bộ lên nhà thờ. Lên đến nơi thì đã thấy một đám đông lố nhố tụ tập ở đó. Buổi lễ đơn giản diễn ra trong bóng tối chập choạng chuẩn bị chào đón ánh mặt trời.

Tôi ngồi đó, lòng tràn ngập sung sướng tận hưởng sự thanh bình, mùi đất và mùi cây cỏ lan tỏa khắp nơi, và cảm nhận không khí mát mẻ của buổi sáng sớm đang bao phủ chung quanh. Tôi nghe cả tiếng chim hót và tiếng cây cối rì rào. Rồi bầu trời bắt đầu sáng lên và một quả cầu màu cam sáng chói xuất hiện từ từ tựa như mọc ra từ trong lòng đất. Rồi cũng nhanh như khi mới bắt đầu, mọi việc trở lại bình thường, mọi người lại lục đục ra về, trở lại với công việc và cuộc sống bận rộn thường ngày.

Tôi trở về bệnh viện trong một tâm trạng thư thái và sẵn sàng cho một ngày mới bận rộn. Phòng cấp cứu rất yên ắng, không có bệnh nhân nên tôi bắt tay vào lau dọn và kiểm tra, bổ sung các vật dụng cần thiết.

Rồi âm thanh quen thuộc “có bệnh nhân cấp cứu” lại vang lên như thường lệ, cùng lúc đó, tôi nghe thấy giọng nói của ai đó đang kêu mọi người giúp đỡ trong cơn hoảng loạn. Tôi bước ra và nhìn thấy một người đàn ông đang bồng một cô bé nhỏ xíu, mềm oặt, và đã tắt thở, vết máu chảy dài xuống một bên má cô bé. Rồi ông ta đưa cô bé cho tôi và cho biết: ông ấy đang lùi xe từ trong nhà ra ngoài mà không biết con bé đang ở phía sau xe. Cháu bé đang chuẩn bị quần áo để đi nhà thờ, nhưng khi thấy cha lên xe, nó chạy theo vì muốn được đi cùng với cha.

Tôi vội vã đưa đứa bé vào cấp cứu, bỏ mặc người cha đứng lại bên ngoài. Sẽ có người đến gặp ông bảo điền các giấy tờ cần thiết và sẽ đưa ông ta đến phòng chờ – đó là một căn phòng nhỏ, ánh sáng nhẹ, dành riêng cho gia đình hay bạn bè của nạn nhân trong lúc họ đang được cấp cứu.

Sau khi loa thông báo phát lên, một đội ngũ bác sĩ và y tá có mặt sẵn sàng bắt tay vào cứu sống cháu bé. Bằng tất cả mọi nỗ lực của cả con người và máy móc, chúng tôi cố gắng làm cho cô bé tỉnh lại, nhưng tất cả đều vô vọng. Cô bé đã ra đi. Tôi chầm chậm tháo tất cả ống thở và dây nhợ mà nước mắt đầm đìa, cảm thấy có một cái gì đó nghèn nghẹn trong cổ họng và đè nặng trong lòng. Chúng tôi chuẩn bị cô bé cho sạch sẽ và gọn gàng để gia đình gặp cháu lần cuối. Còn bác sĩ cấp cứu thì đi đến gặp người cha, ông nói: “Con gái ông đã qua đời. Chúng tôi đã cố gắng hết sức.” Ông cố gắng giải thích cặn kẽ mọi chuyện cho người cha nghe. Rồi ông dừng lại chờ đợi phản ứng của người cha.

Tiếng khóc của người đàn ông sau khi nghe xong tin ấy cho đến nay vẫn còn làm tôi nhớ mãi. Những ai đã từng trải qua cảnh mất mát người thân sẽ hiểu được nỗi đau đớn của người đàn ông này.

Đã hai mươi năm trôi qua, giờ đây tôi cũng đã có gia đình và bốn đứa con của riêng mình. Tôi đánh đổi công việc của mình để dành trọn thời gian làm tốt công việc của một người nội trợ, một người mẹ. Lúc nào tôi nhớ đến nỗi đau của người đàn ông đó khi mất đi đứa con của mình, và giờ đây khi đã trở thành mẹ, tôi mới thực sự hiểu được nỗi đau đớn đó là như thế nào.

Những người làm việc trong ngành y tế phải học cách đối đầu với sự đau đớn của bệnh nhân. Hàng ngày, chúng tôi phải chứng kiến biết bao cảnh đau đớn của con người, mất đi một phần cơ thể hay mất đi mạng sống, mất đi người thân, và đôi khi cả nỗi đau mà họ gây ra cho người khác.

Ngày hôm đó, tôi đã trải qua hai tâm trạng đối nghịch của tình cảm con người – niềm hạnh phúc và nỗi thất vọng, cuộc sống và cái chết, niềm vui và nỗi đau, cảnh đẹp kỳ vĩ và cảnh tượng đau lòng. Tôi thấy mừng vì sáng sớm hôm đó, mình đã tham gia vào chuyến đi, cái cảm giác hạnh phúc khi được đắm chìm trong sự thanh bình của thiên nhiên đã giúp tôi bớt phải đau đớn khi chứng kiến cái chết của một đứa trẻ. Ký ức về khung cảnh tuyệt đẹp của buổi sáng hôm đó chính là chiếc áo giáp giúp tôi trong trận chiến đấu với thần chết để giành giật lấy sự sống cho con người.

Tôi thiết nghĩ, là một y tá hay bác sĩ hay bất kỳ ai hàng ngày phải đương đầu với nỗi đau của con người thì trước tiên họ phải quan tâm đến chính bản thân mình. 

About Bích Khoa

Check Also

Bức tranh về tương lai

“Trong cuộc đời, chúng ta thường mải mê phác ra những bức tranh về tương …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *